Nhà văn Thạch Lam (1910-1942) là một cây bút chính trong nhóm Tự Lực văn đoàn với quan niệm “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Qua những sáng tác văn chương của Thạch Lam, ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn và nhân ái của nhà văn. Đọc những áng văn giản dị và nhẹ nhàng; hiện thực đan xen lãng mạn của Thạch lam, người ta luôn thấy len lỏi những tia nắng của hy vọng, tình yêu thương và sự sống. Thế nên Nguyễn Tuân cũng nói: “Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học.”
“Gió lạnh đầu mùa” là tập truyện ngắn với những tác phẩm Gió lạnh đầu mùa, Tình xưa, Đêm trắng sáng, Nắng trong vườn, Tối ba mươi, Buổi sớm, Tiếng chim kêu, Người bạn trẻ, Cái chân què, Người lính cũ, Người bạn cũ, Trong bóng tối buổi chiều, Hà Nội ban đêm, Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang, Trẻ con lấy vợ.
“Nhưng Hậu bây giờ đã có chồng rồi. Khi tôi quay lại nhìn chồng nàng, tôi thấy rõ cái lãnh đạm của người đàn ông ấy, bên cái vẻ đẹp lộng lẫy đáng yêu của Hậu. Nàng có sung sướng không? Nàng có nhớ đến tôi không? Ngậm ngùi, tôi nghĩ đến cuộc ái ân ngắn ngủi của Hậu với tôi trong mấy tháng hè; cái tình yêu ấy biết đâu không còn để lại trong lòng một vẻ rực rỡ như ánh nắng trong vườn.”
(Trích Nắng trong vườn)
Reviews
There are no reviews yet.