Được Học
Bạn đọc sẽ biết ngay từ đầu rằng Tara Westover đang kể một câu chuyện có thực, hơn hết lại là câu chuyện cuộc đời cô, nhưng dù ít hay nhiều chúng ta vẫn cảm thấy sao mà nó như tiểu thuyết!
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào phản tự nhiên, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một thành trì kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara. Dẫu giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù bao đơn độc.
Reviews
There are no reviews yet.