Tiền Lương Chưa Bao Giờ Là Tất Cả
Bạn có từng nghĩ chính sự tập trung toàn ý cho nhiệm vụ của mình đôi khi lại là rào cản đối với thành quả chung của công ty? Vì bạn chỉ mải mê nghĩ cho thành tích của mình, trông chờ được tăng lương hay thăng chức, mà không ngó ngàng gì đến xung quanh, như một thủ thành lẻ loi nơi cuối phần sân nhà trong khi cả đội quyết chiến vì một bàn quyết định vậy.
Kịch bản này thực ra phổ biến hơn bạn nghĩ, và bất kỳ doanh nghiệp tổ chức nào cũng có thể gặp phải. Một anh nhân viên bán hàng top đầu nhất quyết không nhường khách sộp của mình cho đồng nghiệp, dù biết kinh nghiệm và mối quan hệ của cô ấy sẽ tăng khả năng chốt đơn cao hơn. Một nhóm dự án marketing kiên quyết bảo vệ chiến dịch của mình, dù biết công ty dự định sẽ giảm sự tập trung cho sản phẩm để đổi hướng kinh doanh. Hay một giám đốc cứ bám lấy phương pháp thành công của mình từ cả chục năm trước, mà không tiếp thu ý kiến của giới trẻ, không nhận ra thị trường đã thay đổi từ lâu rồi.
Đó là khi chúng ta biết rằng có sự va chạm. Giữa đãi ngộ cá nhân và thành tích chung. Giữa quy củ và văn hóa. Và, quan trọng nhất, giữa cá nhân và tập thể.
Trong sách Tiền lương chưa bao giờ là tất cả, tác giả Fred Kofman đã khẳng định chắc nịch như thế. Cái mà mỗi doanh nghiệp cần nhất là một Ý NGHĨA chung. Đó mới là cái đích sau cùng, khi mọi mục tiêu về vật chất của nhân viên giỏi đều đã đạt được, nhằm ngăn họ tìm đến những nơi đưa ra mức lương hậu hĩnh hơn. Đó là lý do để ban lãnh đạo tìm kiếm những viễn cảnh mới sau những thành công bước đầu, để tiếp tục đưa công ty đi lên. Và công ty trong mắt khách hàng sẽ là một tập thể không ngừng vững mạnh, không bao giờ bị che khuất trong hàng trăm, hàng nghìn cái tên nhan nhản trong thị trường.
Trách nhiệm lớn nhất trong chuyện này sẽ thuộc về người lãnh đạo tổ chức, người đã nhìn thấu những va chạm và mâu thuẫn nói trên trong “ngôi nhà” của mình. Trong dàn nhân viên tinh anh và giỏi giang của ông ấy, có lẫn cả những người dần cảm thấy mình thiếu gắn bó, thiếu thông tin, vô tổ chức và vỡ mộng. Họ không biết khi nào phải chọn giữa cái chung và cái riêng, giữa danh lợi và ý nghĩa. Họ cần những chỉ dẫn, nguyên tắc và văn hóa để dẫn lối cho họ qua những mơ hồ và hoài nghi, và tìm được vai trò thực sự của mình trong một tập thể đồng lòng. Và họ trông cậy tất cả ở người lãnh đạo của họ, người sẽ biến doanh nghiệp của mình thành nơi “đáng để mọi nhân viên tận hiến và trung thành”.
Reviews
There are no reviews yet.