Combo Cẩm Nang Du Hành: Trở Về Từ Cõi Sáng + Ngọc Sáng Trong Hoa Sen + Đường Mây Qua Xứ Tuyết (Bộ 3 Cuốn)
Trở Về Từ Cõi Sáng viết về đời sống sau khi chết. Nếu khi còn sống chúng ta biết và hiểu về sự chết thì chết không có gì là đáng sợ nữa. Những chuyện có thật trong Trở Về Từ Cõi Sáng do nhà văn Nguyên Phong biên soạn và dịch thuật sẽ hé mở cánh cửa huyền bí tiết lộ vài điều bí mật về bên kia cửa tử.
Trong thời gian gần đây, có rất nhiều sách viết về hiện tượng “người chết sống lại” kể chuyện thế giới bên kia (near death experiences) nhưng không cuốn nào gây sôi nổi bằng cuốn “Embraced By The Light” (tạm dịch: Trở Về Từ Cõi Sáng) của Betty Eadie.
Xuất bản lần đầu năm 1992, nó đã trở nên một “best seller” với số bản kỷ lục và dẫn đầu những cuốn sách bán chạy nhất Hoa Kỳ. Bắt đầu từ tháng 2 năm 1994, nó trở nên cuốn sách bán chạy nhất thế giới với mười tám ấn bản bằng các thứ tiếng khác nhau. Trong ấn bản đầu tại Âu châu, nhiều độc giả đã phải mua giá chợ đen vì nhà xuất bản in không kịp. Tại Nhật Bản, những người không muốn chờ đợi, đã xếp hàng để mua trước cửa nhà in, không đợi sách giao đến tiệm nữ Tại sao cuốn sách này lại bán chạy như vậy? Theo các nhà bình luận thì không những nội dung cuốn này phong phú hơn nhiều cuốn sách tương tự mà tác giả, bà Betty Eadie, đã kinh nghiệm được sự chết và kể lại những diễn tiến ở cõi bên kia, mà bà ta gọi là cõi sáng, một cách chi tiết rõ ràng. Sau khi cuốn sách xuất bản, tác giả đã được mời đi diễn thuyết khắp nơi, đâu đâu bà cũng thu hút được một cử tọa đông đảo chưa từng thấy. Nhiều đài phát thanh và truyền hình trên thế giới đã có chương trình phỏng vấn tác giả và thảo luận về hiện tượng “người chết sống lại”. Đây là một đề tài đang được bàn cãi rất sôi nổi, người tin kẻ ngờ, và có người đã chất vấn tác giả từng chi tiết một nhưng bà Eadie đã giải đáp được hầu hết thắc mắc của mọi người nên số người hâm mộ bà ngày càng nhiều.
Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó.
Ngọc Sáng Trong Hoa Sen là cuốn sách nói về cuộc du hành của ông tại châu Á. Cho đến nay, dù thời gian trôi qua, nhiều sự kiện đã thay đổi nhưng Ngọc Sáng Trong Hoa Sen vẫn là một trong những cuốn sách giá trị về phương Đông và thường được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường đại học.
Đường Mây Qua Xứ Tuyết (“The Way of the White Clouds”) ghi lại những điều Anagarika Govinda chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Hành trình của tác giả diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷtrước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh nên việc tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.
Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà “bỏ rơi” vùng đất này; do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma. Từ góc nhìn của người phương Tây, Tây Tạng được xem như một phần của vương quốc Ấn Độ (vốn bao gồm cảcác nước Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, ngày nay) do nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ tín ngưỡng và tôn giáo Ấn Độ hơn từ phía Trung Hoa.
Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khi những biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái “Tự do”, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng mà tác giả Anagarika Govinda và dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.
Reviews
There are no reviews yet.