Combo Chìm Nổi Ở Sài Gòn + Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ (Bộ 2 Cuốn)
“Có ba điểm tạo nên giá trị đặc sắc cho Chìm nổi ở Sài Gòn: chủ đề độc đáo – đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo Sài Gòn thời thuộc địa, sự nghiên cứu xuất sắc và văn xuôi tao nhã của Haydon Cherry.” – Peter B. Zinoman, Đại học California, Berkeley
Tác phẩm “Chìm nổi ở Sài Gòn” – cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo đã cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu sắc về tình cảnh lịch sử và những biến đổi ở Sài Gòn thời thuộc địa trong khoảng 4 thập niên đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách này bắt đầu từ thời điểm năm 1904, vào đêm trước một cơn bão làm hư hại mùa màng, khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào hỗn loạn, gây ra cảnh khốn cùng ở Sài Gòn và các tỉnh khác. Chương một đặt lịch sử Sài Gòn vào bối cảnh của ngành buôn bán lúa gạo trong khu vực, giải thích bối cảnh phát triển giúp Sài Gòn trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho người tìm cơ hội đổi đời vào giai đoạn này. Sau đó 6 chương còn lại vén màn về cảnh đời bần cùng của những người nghèo thành thị.
Nương theo mạch tường thuật chuyện đời và những biến cố của họ – Lương Thị Lắm, một gái mại dâm đến từ tỉnh Biên Hòa, cô tha hương cầu thực và chạy trốn chánh quyền thuộc địa; Trần Dưỡng, một thợ đá người Khách Gia [Hakka – Hà Cá] xuất thân từ miền Nam Trung Hoa, bị chủ cũ của mình buộc tội gia nhập hội kín Thiên Địa Hội; Aimée Lahaye, một cô gái trẻ lớn lên trong viện dục anh của Hội Thánh nhi (Holy Childhood Association), về sau nhận ra bản thân mồ côi thêm một lần nữa giữa dòng đời; một “ngựa người” tự xưng tên Nguyễn Văn Thủ, làm phu xe rong ruổi trên khắp đường phố Sài Gòn; một người khuyết tật tên Trần Văn Chinh, phải vật lộn với tình trạng tật nguyền; và Félix Colonna d’Istria, một người Pháp nghèo khổ, luôn là nạn nhân của sự bất cẩn của chính mình. Tác giả Haydon Cherry đã khéo léo lồng ghép để vẽ nên một bức tranh thuộc địa Sài Gòn và Nam kỳ dưới tác động của thời cuộc, từ sự kiện di dân cho đến tình hình kinh tế thế giới biến động.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ có cơ hội được thấy lại Sài Gòn một thuở thịnh vượng nhờ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, trở thành “miền đất hứa” cho nhiều người ở các xứ bảo hộ kề cận; nhưng đồng thời cũng chứng kiến cảnh cuộc đời người nghèo chịu ảnh hưởng ra sao, nhất là khi một viên chức chánh quyền người Pháp cũng có thể rơi vào cảnh bần cùng. Là cuốn sách đầu tiên mô tả rất chi tiết đủ loại cảnh nghèo – bần cùng, cách viết của “Chìm nổi ở Sài Gòn” làm người đọc không khỏi cảm thấy xót xa cho phận đời cùng khổ của một nhóm người ngày xưa.
Tác giả cũng làm sáng tỏ những góc khuất khác như cách chánh quyền thuộc địa đã quản lý và có chế tài thế nào khi nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, hay khi người ta tìm cách vu vạ một thành viên trong cộng đồng là Thiên Địa Hội để trả thù – cho thấy nỗi ám ảnh mà hội kín này gây ra cho chánh quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu.
Ngoài ra, cuốn sách còn giúp độc giả khám phá các khía cạnh xã hội thời kỳ này như chuyện về thẻ căn cước kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt, hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế… đồng thời đóng vai trò như một cuốn địa chí, cung cấp thông tin về một số địa danh ở Sài Gòn.
Cuốn sách được viết dựa trên nguồn tư liệu phong phú, bao gồm số liệu thống kê đã xuất bản, thư truyền giáo, các báo cáo chính thức, lời kể của những du khách, các phóng sự và những nghiên cứu khoa học xã hội thuộc địa,.. với phần ghi chú kỹ lưỡng giúp độc giả có thể dễ dàng tiếp cận vấn đề khi đọc.
Điểm đặc biệt nữa là tác giả đã dành toàn bộ số tiền tác quyền từ cuốn sách để ủng hộ cho tổ chức Saigon Children’s Charity (Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn). Các bạn độc giả cũng có thể quyên góp thêm trực tiếp tại trang: http://www.saigonchildren.com/.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Haydon Cherry hiện là nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại, đặc biệt là Việt Nam hiện đại. Haydon Cherry lấy bằng Thạc sĩ Lịch sử của Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2011, anh nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale.
Hiện anh giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ, như Đại học Northwestern, Đại học bang North Carolina… Tác giả Haydon Cherry quan tâm đến lịch sử kinh tế và xã hội của Đông Nam Á hiện đại nói chung và lịch sử của Việt Nam và Myanmar nói riêng. Với những công trình và tiểu luận lịch sử của mình, Haydon Cherry đã nhận được một số giải thưởng.
Ngoài Down and Out in Saigon: Stories of the Poor in a Colonial City (Chìm nổi ở Sài Gòn: Những cảnh đời bần cùng ở một thành phố thuộc địa) xuất bản năm 2019, tác giả Haydon Cherry còn một số dự án nghiên cứu khác về Việt Nam và Myanmar.
2. Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ
Từ các nguồn sử liệu phong phú về nội dung và gần 150 hình ảnh minh hoạ, trong đó một số hình ảnh lần đầu được giới thiệu, cuốn sách “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ” mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về Sài Gòn nói riêng và Nam kỳ nói chung, diễn giải những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ xưa kể từ thời Gia Long, Minh Mạng, Lê Văn Duyệt cho đến khi người Pháp xâm lăng và thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ và chế độ bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ của vương quốc Đại Nam (nay là Việt Nam).
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ được tác giả khắc họa lịch sử Nam Kỳ với những tư liệu lịch sử đi cùng những hình ảnh minh hoạ, qua các giai đoạn:
Từ lúc Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước các cuộc tấn công của quân Tây Sơn, tại đây người Pháp và người Gia Định đã góp công lớn giúp Nguyễn vương dấy nghiệp và khôi phục cơ đồ, thống nhất sơn hà. Gia Định cũng là nơi tạo ra thứ quyền lực địa phương đầy thách thức khiến vua Minh Mạng hao tâm hóa giải.
Vào hậu bán thế kỷ 19, Đông Á nói chung, và Đại Nam nói riêng, đối diện với họa Tây xâm. Sau khi nổ súng tấn công vịnh Đà Nẵng năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha kéo quân vào tấn công Nam kỳ và lần lượt hạ thành Gia Định, thiết lập “phòng tuyến chùa” từ Sài Gòn đến Chợ Lớn tiến tới hạ đại đồn Chí Hòa, chiếm Mỹ Tho… và chiếm trọn ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, sau này thêm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ của Đại Nam.
Năm 1874, Hòa ước Giáp Tuất được ký kết buộc triều đình Huế giao trọn Nam kỳ lục tỉnh cho người Pháp. Sau đó, Pháp buộc triều đình Huế ký liên tiếp hai bản Hòa ước Quý Mùi – 1883 và Hòa ước Giáp Thân – 1884, biến Bắc kỳ và Trung kỳ của Đại Nam trở thành xứ bảo hộ của người Pháp.
Đến năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, cai quản xứ thuộc địa và hai xứ bảo hộ của Đại Nam, kể cả vương quốc Cao Miên; đặt thủ phủ tại Sài Gòn (Nam kỳ), đến năm 1902 mới dời ra Hà Nội.
Nam kỳ tuy không còn là trung tâm quyền lực nhưng vẫn là thủ phủ kinh tế của Liên bang. Với Sài Gòn là trung tâm đô thị và quyền lực của chính quyền thực dân, là cái nôi của báo chí Việt Nam buổi ban đầu.
Giai đoạn 1923-1926 chứng kiến làn sóng di cư đổ về Sài Gòn, trong số đó có nhiều trí thức Tây học và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, những ký giả lão làng dùng ngòi bút của mình đấu tranh và tạo ra những cuộc đối đầu công khai chống chính quyền thực dân.
Sài Gòn cũng bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vài năm sau đó, giới kinh doanh, mua bán làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và đời sống người dân Sài Gòn lâm vào cảnh lao đao, từng dòng người dắt díu nhau lần lượt rời đi, người Tây và Hoa kiều về nước, người Việt tạm lui về vùng ven Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê cầm cự kiếm sống mong chờ cuộc đại khủng hoảng nhanh chóng qua đi, để trở lại Sài Gòn.
Trong cơn đại khủng hoảng, người Sài Gòn cố gắng cầm cự chờ đợi trạng thái bình thường mới, và cũng chính trong lúc ngặt nghèo đó người Sài Gòn vẫn giữ được tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều hình thức từ thiện khác nhau…
Qua những ghi chép về các sự kiện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ, đặc biệt là cùng với gần 150 tranh/ảnh sống động, có giá trị về Nam kỳ, trong đó có 24 trang in tranh/ ảnh màu, cuốn sách đã mang đến cho độc giả những góc nhìn khác về con người và vùng đất, nhằm minh họa cho các sử kiện được nhắc đến rải rác trong sách, và cũng để giới thiệu đến độc giả những hình ảnh quý giá về Nam kỳ một thuở qua góc nhìn của người phương Tây.
Khi in lại tranh/ảnh xưa, ngoài những dòng chú thích nội dung tranh/ảnh, tác giả cũng cung cấp thêm các thông tin: bản phác thảo của ai, hình họa của ai, và ai là thợ khắc… nhằm góp phần đưa ra ánh sáng tên tuổi những nghệ sĩ giúp lưu giữ hình ảnh Việt Nam trong quá khứ.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Nguyễn Quang Diệu, sinh năm 1983 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn.
Reviews
There are no reviews yet.