Combo Dấu Chân Trên Cát + Đường Mây Trên Đất Hoa (Bộ 2 Cuốn)
Ngày nay, người ta biết đến triều đại các vua chúa Ai Cập thời cổ qua sách vở của người Hy Lạp. Sở dĩ các sử gia Hy Lạp biết được các chi tiết này vì họ đã học hỏi từ người Ai Cập bị đày biệt xứ tên là Sinuhe. Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.
Các sử gia ngày nay đã đưa ra nhiều giả thuyết về nhân vật Sinuhe này. Có người cho rằng ông là một lái buôn đến Hy Lạp lập nghiệp, nhưng làm sao lái buôn lại mở trường dạy học và để lại nhiều tài liệu quý giá như thế được? Từ ngàn xưa, chỉ riêng giai cấp vua chúa là giáo sĩ mới được hưởng quy chế giáo dục toàn vẹn như vậy mà thôi.
Do đó, một số người cho rằng ông thuộc giai cấp giáo sĩ, nhưng việc một giáo sĩ Ai Cập đến mở trường dạy học tại Hy Lạp cũng là điều khó chấp nhận. Mặc dù khi đó văn minh Hy Lạp chưa tiến bộ như Ai Cập nhưng giáo xứ này phát triển rất mạnh, hiển nhiên các giáo sĩ Hy Lạp không thể chấp nhận cho một giáo sĩ ngoại quốc đến mở trường dạy học tại thánh địa Olympia của họ được.
Nếu thế thì phải chăng Sinuhe thuộc giai cấp hoàng tộc? Điều này xét ra cũng không có lý vì một người thuộc giai cấp hoàng tộc không thể bị đày biệt xứ. Luật pháp Ai Cập chủ trương xử tử những kẻ trong hoàng tộc nếu họ vi phạm một tội trọng nào đó chứ không có lệ bị đày biệt xứ, vì các vua Pharaoh rất sợ những người trong bọn họ chiêu binh mãi mã làm phản.
Việc một người Ai Cập, thân thế mơ hồ, bị đày biệt xứ, đến mở trường dạy học tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp, vẫn là một bí mật đến nay các nhà khảo cổ chưa tìm ra được câu trả lời.
Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử về xã hội Ai Cập cổ đại, song nhiều vấn đề được nêu ra trong tác phẩm vẫn có ý nghĩa thời sự trong thế giới ngày nay. Đó là lý do khiến cho tác phẩm không chỉ giữ được sự cuốn hút đối với bạn đọc Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những dòng văn viết với ý tứ sâu sắc của một người con xa quê hương: “Người Ai Cập có thành ngữ: “Kẻ nào đã uống nước sông Nile thì không thể nào uống nước ở đâu được nữa”. Quả thế tuy sống tại Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập quê hương thân yêu của tôi.
Dường như những miền nào xây dựng trên mặt cát, chỉ huy hoàng trong một thời gian rất ngắn rồi tàn lụi, nhưng mấy ai chịu để ý đến điều ấy. Cũng như những vết dấu chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ, huyền thoại về một người Ai Cập qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.
Hòa thượng Hư Vân tên tục của là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phúc Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân.
Đồng Trị năm thứ 8, 30 tuổi. “Ba năm ở hang núi. Khi ấy, tôi sống rất đơn giản. Đói ăn đọt tùng lá dại, khát uống nước suối. Giày vớ ngày càng rách nát, chỉ còn lại một chiếc áo tràng che thân. Đầu quấn theo quyền Kim Cang, tóc dài cả mấy thước, đôi mắt sáng rực. Người ở xa nhìn thấy tưởng là yêu quái, đều bỏ chạy cả. Tôi cũng chẳng cùng người nói chuyện.
Ba năm đầu, lắm khi thấy cảnh giới tốt, mà không tự cho là kỳ lạ. Một lòng quán chiếu cùng niệm Phật. Trong hang sâu núi thẳm, hổ sói rắn trùng không hại. Không nhận sự thương hại, không ăn thức ăn nấu chín của người thế gian. Ngữa mặt nhìn trời, muôn sự đều nằm trong thân. Tâm rất an lạc, như vị trời ở cõi tứ thiền. Nghiệm biết, tai hoạn của thế nhân đều do thân miệng ý gây ra.
Cổ nhân nói rằng âm thanh của một bình bát vang xa hơn cả muôn ngàn tiếng chuông. Nay, tôi một bình bát cũng chẳng có, nên tự tại không ngại. Sức khỏe ngày càng tráng kiện. Tai mắt ngày càng tinh thông linh lợi. Đi nhanh như bay. Tự hỏi mình không biết sao được như thế! Tùy ý thích, có núi thì ở, có lá dại thì ăn. Đi từ nơi này sang nơi khác, như thế một năm trôi qua mà chẳng biết.” – Hòa thượng Hư Vân
Cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư Vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là một bức tranh sống động mô tả rõ tình trạng của Phật giáo tại Trung Hoa cuối thế kỉ thứ mười chín. Ngoài giá trị về Phật học, nó còn mang giá trị rất lớn về mặt sử liệu, vì Hòa thượng Hư Vân ra đời vào lúc các nước đế quốc đang xâu xé Trung Hoa (1840) và ngài qua đời vào năm 1959, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949). Ngài đã chứng kiến năm triều đại nhà Mãn Thanh, Chiến tranh Nha phiến (1839-1842 và 1857-1860), Hòa ước Nam Kinh, Chiến tranh Thanh- Nhật (1894-1895), cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901), Cách mạng Tân Hợi (1911) và Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Ngài đã trải qua những nội ưu ngoại hoạn của thời thành lập Trung Hoa Dân Quốc, cuộc chiến tranh Nam – Bắc và Ngũ Tứ vận động. Ngài đã chia sẻ những hổ đau kinh hoàng của dân chúng trong trận Thế chiến thứ nhất và thứ hai, cũng như cuộc tranh chấp giữa các phe phái quân phiệt và đảng phái.
Bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tình hình chính trị xáo trộn, ngài vẫn ung dung hoằng pháp, xây dựng lại những tự viện, chùa chiền đổ nát vì chiến cuộc, chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, xây dựng lại căn nhà Pháp cho bền vững. Ngài đã xây cất hàng chục cảnh chùa, trùng tu hàng trăm tháp Tổ, dạy dỗ hàng ngàn tăng chúng và truyền giới cho hàng trăm ngàn người. Ngài không những đã đi khắp Trung Hoa hoằng dương Phật đạo mà còn qua cả Xiêm La, Tây Tạng, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện để làm Phật sự.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, ngài luôn luôn khiêm tốn nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bất hạnh mà không một lời oán than, ngay cả khi bị hành hạ, tra tấn chết đi sống lại, ngài vẫn chỉ một lòng niệm Phật. Cuộc đời tu học của ngài là cả một công phu với những cố gắng phi thường. Tuy thăm viếng, học hỏi rất nhiều ở các bậc thiện tri thức nhưng ngài đã chứng đắc hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Ngài chứng nhất tâm khi thực hành tam bộ nhất bái, đạt kiến tánh khi chịu khổ nhục tại chùa Cao Mân. Nhờ ngài mà các truyền thống tu tập cổ xưa đã được khôi phục, đem lại một sinh khí mới cho Phật giáo Trung Hoa lúc đang ở trong tình trạng suy đồi.
Đường Mây Trên Đất Hoa được chia làm ba phần, phần thứ nhất là do chính Hòa thượng Hư Vân kể lại đời mình cho các đệ tử ghi chép, phần hai là do các đệ tử của ngài ghi lại những sự việc xảy ra sau đó và phần thứ ba là lời giảng dạy của Hòa thượng trong hai khóa thiền nhất.
Tác phẩm Đường Mây Trên Đất Hoa – Hòa thượng Hư Vân, do Thích Hoằng Đạt & Nguyên Phong phóng tác đã được ra mắt bạn đọc Việt Nam sau hàng chục năm lưu lạc.
Reviews
There are no reviews yet.