Combo Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức + Osho – Ươm Mầm (Bộ 2 Cuốn)
Khi nuôi dạy con cái, ta thường xuyên bắt gặp mình đứng trước cuộc chiến giữa lý trí và con tim, như luôn phải đi thăng bằng trên dây. Một phản ứng không phù hợp có thể làm khô héo tâm hồn con, ngược lại, một lời khen ngợi đúng lúc có thể tạo cảm hứng để con thăng hoa. Trong mỗi khoảnh khắc, ta đều phải lựa chọn xây hay phá, sưởi ấm hay làm nguội lạnh tâm hồn con trẻ.
Hầu hết phụ huynh chúng ta đều vô tình vấp vào cái bẫy của việc áp đặt mong muốn của mình lên con cái. Hệ quả là thay vì nuôi dưỡng, mối quan hệ cha mẹ – con cái lại thường xuyên bóp chết tâm hồn đứa trẻ. Đây là lý do mấu chốt tại sao hiện nay rất nhiều trẻ em lớn lên trong hoang mang và trong nhiều trường hợp để lại hậu quả bệnh lý.
Điều quan trọng nhất bạn phải nhận ra khi nuôi dạy con là không phải mình đang nuôi dưỡng một “bản sao thu nhỏ”, mà là một linh hồn sống động riêng biệt. Con cái không phải là vật sở hữu của ta theo bất cứ cách nào. Khi hiểu sâu sắc điều này, ta biết điều chỉnh cách nuôi dưỡng con theo nhu cầu của con, chứ không nhào nặn con cho vừa với nhu cầu của ta.
Làm cha mẹ tỉnh thức được viết ra với mong muốn độc giả, những người ngày ngày vật lộn với thiên chức làm cha mẹ – đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con ở tuổi vị thành niên, tìm thấy phao cứu sinh của mình.
Và không bao giờ là muộn ngay cả đối với những phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc gần gũi với con ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tất nhiên, nếu bạn có con nhỏ hơn thì việc thiết lập nền tảng vững chắc càng sớm càng mang lại nhiều lợi ích.
Trẻ em có sự tự do chân thực. Các em vui tươi, thích nô đùa và sáng tạo một cách tự nhiên. Nhưng khi lớn lên, hầu hết các em đều hiến mình cho những vị thánh mang tên “năng suất” và “hành vi đúng mực” chỉ để rồi phải luyến tiếc những tháng ngày thơ ấu. Osho nói: “Trải nghiệm thời thơ ấu ám ảnh những người thông minh suốt cả cuộc đời. Họ muốn có nó một lần nữa – sự ngây thơ đó, điều kỳ diệu đó, vẻ đẹp đó”. Và dù cho thế hệ người lớn nào cũng thề thốt, với những ý định tốt đẹp nhất, rằng sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm của quá khứ, họ lại luôn áp đặt lên thế hệ kế cận những hạn chế mà chính mình đã thừa hưởng.
Cuốn sách “Ươm mầm” phát động một “phong trào giải phóng trẻ em” nhằm phá vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ và tạo cơ hội cho một phương thức liên kết loài người hoàn toàn mới. Nó sẽ hướng dẫn người lớn nhận thức tình trạng bị áp đặt của chính mình khi liên hệ với trẻ em. Và với nhận thức ấy, họ sẽ biết được khi nào cần nuôi nấng và bảo vệ, khi nào cần đứng tránh sang một bên để trẻ em có thể bộc lộ những tiềm năng lớn nhất và đạt được hạnh phúc cao nhất.
Thế kỷ XX đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên nhiều phương diện. Đây cũng là thời kỳ mà các quan hệ quốc tế đã phát triển như một “thế giới phẳng” mà ở đó, không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù thuộc hệ thống kinh tế xã hội nào có thể tồn tại và phát triển khi tách rời hệ thống.
Cùng với sự phát triển trên phương diện vật chất, nhân loại cũng chứng kiến sự nở rộ của hệ các tư tưởng, giá trị mang tính hiện sinh, hướng đến phát triển con người mới, xã hội mới trên cơ sở khai thác những giá trị cốt lõi, bản chất tự thân bên trong mỗi con người. Đại diện cho dòng tư tưởng này có thể kế đến như: Osho, Gurdjieff, J. Krishnamurti… Trong đó, Osho – nhà triết học, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ là nhân vật có nhiều tư tưởng gây nên những tranh luận, ý kiến khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đến nhiều quốc gia, thuyết giảng nhiều vấn đề lớn. Trong các bài thuyết giảng, ông đặt ra trọng tâm vấn đề phát triển tâm thức của từng người ngay trong thực tế cuộc sống đời thường; hướng đến sống có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm mà không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi những nguyên tắc, định kiến xã hội… Ở Osho, chúng ta nhận thấy tư tưởng của ông có phần cực đoan khi quá đề cao cái tôi tự thân, mà phê phán các nguyên tắc, lễ giáo, phong tục – vốn vẫn là một trong những yếu tố góp phần ổn định trật tự xã hội từ bao đời nay. Tuy nhiên, hiện nay con người đang có tầm mức trí tuệ ngày càng hiện đại, lại quá tập trung vào những vấn đề cuộc sống vật chất mà gần như lãng quên việc phải tìm hiểu tâm thức bên trong, thì việc mỗi người quay lại “thức tỉnh thân tâm” để có cái nhìn toàn diện, thấu hiểu quy luật phát triển và hành động theo quy luật đó mà không bị chi phối bởi những ham muốn, những thúc giục của thói ích kỉ cá nhân là điều rất cần thiết. Và để đạt được điều đó, theo Osho không còn con đường nào hơn là mỗi người phải tự quan sát, tỉnh táo chứng kiến và suy ngẫm tất cả mọi việc từ nhiều phía để có cách ứng xử phù hợp.
Tuy nhiên, những bài thuyết giảng của Osho trong một thời gian dài đã hứng chịu nhiều chỉ trích, lên án, thậm chí bản thân ông bị ngăn cấm, trục xuất, bởi lẽ những tư tưởng của ông không phải ai cũng có thể hiểu và đồng tình, chấp nhận trong một sớm một chiều. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi vẫn còn đâu đó những đánh giá, chê bai, công kích Osho dưới những góc nhìn khác nhau. Song ở đây, chúng tôi mong rằng khi tiếp cận với tư tưởng của ông, mỗi chúng ta cần có một cái nhìn khách quan trên tinh thần học thuật vô tư, trong sáng, có sự phân tích, suy ngẫm, tự đúc rút và chắt lọc cho mình những ý nghĩa giá trị phù hợp với bản thân, văn hóa, xã hội nơi mình đang sống.
Trên tinh thần đó, Công ty Cổ phần sách Thái Hà phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội gửi đến độc giả một số ấn phẩm của Osho có tựa đề: Đạo, Thiền, Tantra, Đức Phật, Upanishad, Đàn ông, Phụ nữ, Ươm mầm… Các ấn phẩm là tập hợp những bài thuyết giảng, đối thoại của Osho được tập hợp, sắp xếp dịch theo các chủ đề khác nhau. Chúng tôi hy vọng, thông qua những ấn phẩm này, độc giả hiểu hơn về Osho, về tư tưởng của ông và tìm thấy cho mình những suy ngẫm và cách ứng xử phù hợp, để nâng cao giá trị bản thân và góp phần làm nên những điều tốt đẹp cho xã hội mình đang sống.
Reviews
There are no reviews yet.