Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là cuốn sách lớn chép về các sự kiện lịch sử nước Việt Nam (Quốc sử) qua các thời đại từ Kinh Dương Vương đến thời nhà Lê trung hưng năm 1675. Cuốn sử này được khắc in toàn bộ và công bố lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức là năm 1697 và là cuốn sử Việt Nam cổ nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay do nhiều sử gia từ thời nhà Trần và nhà Hậu Lê soạn thảo ra.
Cuốn sách được Ngô Sĩ Liên, một nhà sử học thời Lê Thánh Tông viết với sự tham khảo và sao chép lại một phần từ các cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thời nhà Trần và Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên (thời nhà Lê nhưng trước Ngô Sĩ Liên) và được các nhà sử học khác như Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy v.v.. hiệu chỉnh và bổ sung thêm sau này. Tên gọi chính thức của cuốn sách này do Ngô Sĩ Liên đặt.
Năm 1993, nhà xuất bản Khoa học-Xã hội phát hành bản chữ quốc ngữ, dịch từ bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) là Nội các quan bản. Bản chính của Nội các quan bản hiện đang lưu giữ tại thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ, Paris.
Nội dung cuốn sách chép các sự kiện lớn trong lịch sử nước Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương và các vua Hùng (kỷ họ Hồng Bàng) cho đến triều đại nhà Hậu Lê với những lời bình chú, nhận xét tương đối khách quan của Ngô Sĩ Liên cũng như của các bậc tiền nhân (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên). Có rất nhiều sự kiện được các ông đánh giá tương đối đúng bản chất mà sau này vì nhiều lý do (như ảnh hưởng tới những nhân vật lịch sử nổi tiếng hơn, ví dụ như nhận định về Nguyễn Bặc, Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành), Dương Vân Nga trong thời kỳ triều đại của nhà Đinh) nhiều sử gia khác có ý định cắt bỏ. Tuy nhiên cũng có nhiều sự kiện vì lý do quan điểm tư tưởng phong kiến nên các ông đã có những nhận định không xác đáng (như trường hợp thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý). Cuốn sách lần đầu tiên được hoàn thành năm 1479 thời Lê Thánh Tông, sau đó được các sử gia khác chỉnh lý lại và bổ sung .
Reviews
There are no reviews yet.