Hàn Phi Tử
Hàn Phi sống cuối đời Chiến Quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Hoa. Ông thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn (được gọi là “công tử”), thích cái học “hình danh”. Hàn Phi có tật nói ngọng, không thể biện luận nhưng giỏi viết sách.
Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là thuyết Pháp trị. Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đã khởi xướng học thuyết này. Tư tưởng của Hàn Phi Tử khác với tư tưởng của Nho giáo (vốn cho rằng để quản lý xã hội thì dùng Nhân trị và Đức trị), ông cho rằng cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng pháp luật: “Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu”.
GS. Phan Ngọc trong lời tựa của tác phẩm Hàn Phi Tử đã từng nói: Hàn Phi là con người có kiến thức uyên bác tiếp thu từ Nho gia, lập luận rất chặt chẽ và sắc sảo, sử dụng rất nhiều dẫn chứng trong đó các dẫn chứng là chuyện đương thời chứ không phải chuyện xa xôi, nên sức thuyết phục rất mạnh. Hàn Phi cũng vận dụng linh hoạt tư tưởng của Đạo Đức kinh của Lão Tử để minh họa cho tư tưởng Pháp gia, giúp một tư tưởng khô khan trở nên sinh động, có sức sống.
Hàn Phi Tử được xem là “cuốn sách giáo khoa dạy làm vua” độc đáo, mang đậm dấu ấn của chế độ phong kiến Phương Đông. Qua tác phẩm về danh nhân này, tác giả đã chính thức khai sinh học thuyết Pháp trị, đề cao pháp luật với tư cách là công cụ quan trọng, hữu hiệu nhất trong việc bình ổn xã hội.
Với nội dung không mới, và tư tưởng đã được truyền lại từ nhiều đời nay, nhưng với một đất nước mà tư tưởng Nho gia của Khổng giáo gần như bao trùm ảnh hưởng lớn rộng như ở nước ta, những người đọc Hàn Phi Tử vẫn thấy những điều mới lạ, tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại.
Reviews
There are no reviews yet.