Khái Niệm Then Chốt Trong Nghiên Cứu Giới
Khái Niệm Then Chốt Trong Nghiên Cứu Giới xuất bản lần đầu vào năm 2007, tới nay, sách đã được in lại gần 10 lần, và năm 2017 được xuất bản với ấn bản chỉnh sửa. Điều đó chứng tỏ sức hút và tầm quan trọng của cuốn sách do hai tác giả Jane Pilcher và Imelda Whelehan chấp bút.
Jane Pilcher là Phó giáo sư Xã hội học của Đại học Leicester (Vương quốc Anh), Imelda Whelehan là Giáo sư và Chủ nhiệm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc. Cùng nhau, cả hai đã chọn lọc và tập hợp 50 khái niệm trọng yếu trong nghiên cứu giới hiện nay, như bình đẳng, dị tính luyến ái, lao động tình dục, giới, phân công lao động trong gia đình, v.v. Mỗi khái niệm được viết theo cấu trúc: giới thiệu lịch sự ra đời; diễn giải nội hàm; mô tả quá trình phê phán và phát triển. Cuối mỗi khái niệm, nhóm tác giả có phần “Xem thêm” (dẫn những khái niệm liên quan) và “Đọc thêm” (giới thiệu các tài liệu để độc giả tham khảo nhằm đào sâu hơn). “… 50 khái niệm tập trung trong sách này không phải là các lựa chọn ngẫu nhiên và không theo tiêu chuẩn nào, trái lại, chúng đại diện cho một trình bày về nghiên cứu giới, vừa như một chuyên môn học thuật, vừa là viễn tượng rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và ranh giới của tri thức.”
Các khái niệm được trình bày ngắn gọn, khúc chiết, nhưng vẫn bao quát đầy đủ lý thuyết và minh họa thực tiễn. Đặc biệt hơn nữa, sách giúp ta nhận ra không khí học thuật của nghiên cứu giới sôi nổi thế nào, bởi nó phát triển không ngừng nhờ sự phê phán, sự không thống nhất, thúc đẩy ngành học không ngừng tiến tới. Chẳng hạn như học giả Pateman – tác giả của khái niệm “khế ước tính dục”, bà đã tiếp thu các phê phán của người khác, và sau đó tham gia viết bài cùng với chính những người phê phán mình. Hay như học giả R.W. Connell, bà nổi tiếng với tác phẩm “Masculinities”, đã ngày càng hoàn thiện lý thuyết những nam tính của bản thân nhờ thường xuyên tiếp nhận các phê phán, phản hồi. Thông qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ có thể trang bị cho mình kiến thức nền tảng trong nghiên cứu giới, mà còn nhận thấy được ngành học này vẫn là một lĩnh vực hoạt động học thuật năng sản, “sự tích hợp đầy đủ của nó tiếp tục có ý nghĩa quan trọng đối với phần lớn hơn của tri thức học thuật nói chung”.
Dịch giả Nguyễn Thị Minh đã dành nhiều tâm huyết để cho ra một bản dịch chất lượng, truyền tải đầy đủ ý nghĩa và nội hàm của các khái niệm, với mong muốn “đến một ngày, chúng ta có thể nói chuyện với nhau bằng những khái niệm của nghiên cứu giới mà không còn cảm thấy nó xa lạ và mang “tính thuật ngữ” nữa. Để chúng ta có thể tư duy về những vấn đề quen thuộc ở ngay xung quanh mình từ một góc nhìn khách quan, ít định kiến hơn”.
Reviews
There are no reviews yet.