Mùi Của Ký Ức
Quyển sách là tập hợp 19 tản văn ngắn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về những đặc sản ẩm thực của làng Chùa, quê của tác giả. Làng Chùa là tên gọi cũ của thôn Hoàng Dương), xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay đã sáp nhập vào Hà Nội). Trong suốt thời ấu thơ của tác giả, làng Chùa vẫn còn là ngôi làng điển hình và truyền thống của Bắc Bộ với những hình ảnh làng quê quen thuộc như cây gạo, gốc đa, những đầm ao gò bãi, bụi chuối chum tương vại cà sau nhà… cùng những người bà, người mẹ quê chân chất chốn quê nhà.
Những đứa trẻ lớn lên ở làng Chùa thủa ấy đều được người lớn dạy cho cách sinh tồn như mò cua, bắt cá, cấy lúa, trồng rau, chăn gà chăn vịt, tự chăm sóc bản thân và cả cách tuốt trứng chấy và bắt chấy rận.
“Từ lúc lên năm, sáu tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế, tất cả những món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá, nướng cá, làm tương, muối cà, đồ xôi, làm bánh…”
Trong “Mùi Của Ký Ức”, bạn đọc sẽ có dịp cùng tác giả du hành trong tâm tưởng để đi qua những miền nhớ miền thương, ăn lại những món ngày xưa trong ký ức như bánh khúc, bánh đúc riêu cua, món cà dầm tương, gỏi cua, xáo chuối, trứng chưng tương…
“Mỗi khi nhìn thấy những làn khói lam chiều bay ra từ một mái bếp, lan tỏa trong những vòm cây cho dù đó là nơi chốn nào, tôi đều thấy bà nội tôi và mẹ tôi từ khói hiện ra. Và trong mùi khói thân thuộc và da diết thoảng mùi cá nướng vỉ tre của mẹ.”
Sau hơn nửa thập kỷ, làng Chùa của tác giả Nguyễn Quang Thiều chỉ còn là ngôi làng trong miền nhớ, những phẩm vật chốn làng quê cũng đã lần lượt theo các bà, các mẹ – những người giữ hồn ẩm thực đi xa. “Mùi Của Ký Ức” của Nguyễn Quang Thiều như một nén hương thắp lên để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, và những người làng Chùa đã khuất.
Reviews
There are no reviews yet.