Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ
Sách tập hợp những truyện ngắn và ký viết về miền đất Nam Bộ, vùng ruộng đồng sông nước của nhà văn Võ Đắc Danh. Bàng bạc trong các truyện là nỗi niềm của những người nông dân đã một đời thân cò lặn lội, oằn vai dưới gánh nặng đau khổ của chiến tranh hôm qua, rồi lại vì miếng cơm manh áo hôm nay nhưng vẫn bất khuất, trung kiên chống lại áp bức, bất công.
Dù tự nhận mình là “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” nhưng Võ Đắc Danh thừa nhận anh cũng . “Nói thật, không yêu Sài Gòn thì đã không có tập sách. Sài Gòn là một thành phố bao dung, nhân hậu, là một tính cách mà không phải nơi đâu cũng có được” – anh bộc bạch.
Và cũng nhờ sống ở Sài Gòn nên tác giả mới yêu hơn mảnh đất quê hương của mình. Anh nhắc đến câu nói của một nhà văn mà anh tâm đắc:
“Văn học thì không có biên giới
Nhưng mà nhà văn thì phải có quê hương…”.
“Tôi nghĩ rằng trong ký ức của bất kỳ ai xa quê thì những hình ảnh lắng lại trong ký ức chính là điều giản dị nhất, là dòng sông, bến nước, con đò, ngọn rau… Khi xa quê thì mình thấy đó là điều thiêng liêng nhất” – anh tâm tình.
Nhân vật trong tập bút ký của Võ Đắc Danh là những con người chúng ta vẫn gặp mỗi ngày trên phố, về những phận đời mà chúng ta gặp mỗi ngày trên đường mưu sinh. Tất thảy họ đều khốn khổ và có những người thật sự sống trong bế tắc. Cũng có những phận người mà tác giả viết rồi đau đáu mãi, viết rồi không thay đổi được gì cho cuộc đời họ, cứ quẩn quanh để rồi bản thân anh lại thấy xót xa. Như anh từng nói: “Hồi mà tôi mới vào nghề thì nghĩ mình hăng máu giữ lắm, nghĩ mình như Lục Vân Tiên đi cứu nhân độ thế, tôi say sưa với những số phận hẩm hiu để hòng làm cho họ đổi đời. Nhưng mà càng về sau càng nhận ra rằng đó chỉ là điều hoang tưởng. Rốt cuộc thì mình chưa cứu được đời họ, chưa gặp mình thì họ đã khổ đau, gặp mình rồi họ vẫn khổ đau, có khác chi đâu…”.
Reviews
There are no reviews yet.